“Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Hiện nay, “Thành phố sáng tạo” được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã
hội. UNESCO đã thành lập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Tính đến nay, Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” có hàng trăm1 thành phố thuộc các châu lục trên thế giới tham gia.
Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông. Yêu cầu các thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO phải tiên phong trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh của sáng tạo của người dân trong phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, thành phố sáng tạo phải hợp tác với các thành viên khác của Mạng lưới để thúc đẩy các biện pháp đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu hóa như: Biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh…

Tại Việt Nam, năm 2019 UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “thiết kế” và mới đây – tháng 10/2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “ Âm nhạc”. Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hiện nay, Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo là chương trình quốc tế hiện có 350 thành phố thành viên từ hơn trăm quốc gia. Các thành phố thành viên xác định văn hóa, sáng tạo là yếu tố chiến lược phát triển đô thị bền vững. Các lợi ích khi tham gia UCCN:
– Hưởng lợi từ một nền tảng trao đổi và hợp tác quốc tế tích cực.
– Đặt mình trên bản đồ thế giới với tài sản văn hóa và sức sống củamình (Nổi bật tài sản văn hóa và sáng tạo địa phương).
– Tận dụng cơ hội hỗ trợ, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau trong quá trình phát triển.
– Chung sức biến thách thức toàn cầu thành cơ hội mới bằng các giải pháp địa phương.
– Tăng cường nền kinh tế và việc làm địa phương thông qua lĩnh vực văn hóa và sáng tạo.
– Tạo nguồn cảm hứng và bản sắc chung cho các thành phố và cư dân của nó.
– Tạo giá trị gia tăng cho du lịch địa phương bằng cách thu hút hơn nữa các bên liên quan khác nhau trong ngành.
– Thu hút lợi ích kinh tế và xã hội rộng hơn.
– Hỗ trợ từ Chính phủ quốc gia và tài trợ của các cơ quan phát triển.