CTCP Thực phẩm G.C (GC Food, mã chứng khoán: GCF) đặt ra những mục tiêu tăng trưởng tham vọng cho năm 2025, bất chấp bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều biến động và những lo ngại về chính sách thuế quan từ các thị trường lớn. Kế hoạch này vừa được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 10/4/2025.
Sau một năm 2024 ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, GC Food tiếp tục đặt niềm tin vào đà tăng trưởng trong năm 2025. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 716 tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện năm 2024. Đáng chú ý hơn, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt gần 90 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 41%.
Kết quả năm 2024 là nền tảng vững chắc cho các mục tiêu này. Công ty đã ghi nhận doanh thu thuần 579 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế đạt gần 64 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần, cho thấy sự phục hồi hiệu quả sau giai đoạn khó khăn trước đó. Hoạt động tài chính giai đoạn 2020-2024 cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng rõ rệt cả về doanh thu và lợi nhuận của GCF.
Để hiện thực hóa các mục tiêu năm 2025, GCF xác định chiến lược trọng tâm bao gồm: đẩy mạnh nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm mới, tích cực mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đồng thời ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng và kiểm soát chi phí.
Một trong những động lực chính cho tăng trưởng đến từ việc mở rộng năng lực sản xuất. Thảo luận tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food, cho biết các nhà máy hiện hữu đang hoạt động vượt công suất thiết kế.
“Với nhà máy thạch dừa, công suất thiết kế ban đầu là 1.000 tấn/năm, nhưng năm qua đã vượt con số này. Đặc biệt tháng 2/2025 vừa qua, chúng tôi sản xuất tới 1.500 tấn/tháng, gấp rưỡi công suất. Từ tháng 4 đến tháng 6/2025, công ty sẽ đầu tư tăng công suất gấp đôi, lên 2.000 tấn/tháng,” ông Thứ chia sẻ.
Tương tự, nhà máy nha đam cũng đã hoạt động hết công suất trong năm 2024. “Từ tháng 6/2025, cùng với nhà máy thạch dừa, chúng tôi cũng sẽ nâng công suất nhà máy nha đam. Dự kiến năm 2025, nhà máy sẽ đạt sản lượng 18.000 tấn, tương đương 75% tổng công suất sau khi nâng cấp,” Chủ tịch GCF thông tin thêm.
Việc chủ động nâng cấp công suất cho thấy sự chuẩn bị của GCF nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.
Kế hoạch mở rộng thị trường của GCF hướng đến các khu vực có yêu cầu cao như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Mỹ. Cơ cấu doanh thu năm 2024 cho thấy Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang là hai thị trường xuất khẩu chủ lực, bên cạnh thị trường nội địa. Việc thâm nhập thành công vào Mỹ và châu Âu được kỳ vọng sẽ giúp GCF đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Tuy nhiên, kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ đang đối mặt với thách thức không nhỏ từ những căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan tiềm ẩn. Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thứ cho biết: “Dự kiến năm 2025, GCF sẽ xuất khẩu khoảng 1,5-2 triệu sản phẩm vào thị trường Mỹ. Hiện tại, dù có thông tin về căng thẳng thuế quan, chúng tôi chưa thay đổi kế hoạch doanh số này và đang tích cực làm việc với các đối tác Mỹ, kỳ vọng vào khả năng trì hoãn áp thuế.”
Mặc dù vậy, Chủ tịch GCF cũng thừa nhận những tác động tiềm ẩn: “Cá nhân tôi nghĩ sẽ có ảnh hưởng gián tiếp, không chỉ từ Mỹ mà thị trường Việt Nam cũng có thể khó khăn hơn, dẫn đến giảm thu nhập và nhu cầu tiêu dùng.”
Ông Thứ nhấn mạnh, Mỹ hiện chưa chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của GCF. Công ty hy vọng các sản phẩm nông sản, thực phẩm với chứng nhận rõ ràng sẽ được hưởng mức thuế suất thấp, do không cạnh tranh trực tiếp với sản xuất nội địa của Mỹ.
“Về quản trị rủi ro, chúng tôi đã có chương trình cụ thể, nhưng cần linh hoạt điều chỉnh trước các biến số như chính sách thuế quan,” ông Thứ khẳng định.
Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT GCF đề xuất trích 4,49 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng phúc lợi nhằm ghi nhận đóng góp của người lao động. Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức năm 2025 với tỷ lệ 10% trên vốn điều lệ (tương đương 39,3 tỷ đồng), thể hiện sự chia sẻ lợi ích với cổ đông sau một năm kinh doanh hiệu quả và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Đức Tân