“CON THIÊNG CỦA RỪNG” – Câu chuyện về ngọn lửa không bao giờ tắt giữ núi rừng Tây Nguyên

“Con thiêng của rừng” dẫn dắt người đọc lần ngược quá khứ trở về với vùng núi rừng Tây Nguyên thập niên 1930, gặp gỡ một chú bé người dân tộc Ba Na tên Siêu Dơng. Lớn lên trong cảnh nợ nần, nghèo khó, Siêu Dơng đã sớm chứng kiến cảnh cha mẹ mình phải nai lưng làm lụng cho nhà chánh tổng, rồi cả nhà em lại bị đem bán cho tri phủ Môr như những món hàng. Siêu Dơng sớm bộc lộ tài hội họa, nhưng rồi cái tài ấy cũng bị khuất lấp đi dưới tầng tầng lớp lớp những đắng cay tủi nhục khi làm tôi tớ cho cha con lão tri phủ Môr tàn ác.

Thời niên thiếu của Siêu Dơng là chuỗi ngày bất hạnh tới cùng cực. Đã chẳng có của cải gì trong tay, Siêu Dơng còn mất đi những người thân yêu nhất: cha anh, mẹ anh, vợ anh, con anh… Hạnh phúc nhỏ nhoi của chàng thanh niên hết lần này đến lần khác bị chà đạp, nghiền nát dưới gót giày ngang ngược, tàn ác của lũ tay sai thân Pháp. Siêu Dơng từng phản kháng, từng buông xuôi mặc sự nào nhặn của Môr, nhưng không lựa chọn nào đem lại cho anh sự yên ổn. Nhưng rồi, ngay giữa đêm trường tăm tối ấy, Siêu Dơng đã nhìn thấy tia sáng chiếu rọi tương lai cho mình.

Tác phẩm ra đời từ một tình bạn đẹp

Viết “Con thiêng của rừng”, nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Nhân vật chính của cuốn sách – chú bé Siêu Dơng – là người con đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên. Sinh ra trong cảnh đọa đày dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và tay sai, khi lớn lên, anh thanh niên người Ba Na Siêu Dơng đã được giác ngộ Cách Mạng và bước đi trên con đường mới, trở thành họa sĩ Xu Man sau này.

Họa sĩ Xu Man sinh năm 1925 tại thị trấn An Khê. Suốt thời niên thiếu, ông phải làm tôi tớ để trả nợ cho chủ. Đến tuổi thanh niên, ông từng bí mật giúp đỡ cách mạng rồi gia nhập lực lượng quân đội ngay tại Gia Lai. Đến năm 1954, ông được tập kết ra Bắc và cử đi học văn hóa. Năm 1974, ông hoàn thành chương trình đại học và trở về quê hương tiếp tục công tác. Năm 1983, ông về hưu, trở lại làng Bông quê hương sống những ngày cuối đời và qua đời năm 2007.

Trong suốt cuộc đời, ông được giao làm nhiều công việc khác nhau và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dù bận bịu, họa sĩ Xu Man vẫn luôn dành thời gian cho niềm đam mê hội họa. Chủ đề lớn trong các tác phẩm của ông là tấm lòng người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Những bức tranh vẽ xong, họa sĩ Xu Man không giữ lại hay rao bán mà đem tặng cho bạn bè, cho nhân dân. Tới nay, các bức tranh của ông đã chu du khắp đất nước Việt Nam. Một số tác phẩm còn được lưu giữ trong hai viện bảo tàng mỹ thuật lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có cơ duyên gặp gỡ họa sĩ Xu Man và hai người sớm trở thành đôi bạn tâm giao. Họ đã cùng trải qua những đêm truyện trò bên rượu cần bếp lửa, để người họa sĩ lần mở những trang quá khứ đời mình. Chuyến hành trình ấy càng dài, thì ý tưởng viết sách càng thêm rõ nét trong tâm trí tác giả, thôi thúc ông đặt bút. “Con thiêng của rừng”, vì nhẽ ấy là một cuốn truyện dù nhỏ nhắn về dung lượng nhưng đáng quý. Nó không chỉ là cuốn sách đầu tiên viết về cuộc đời người nghệ sĩ lớn của dân tộc Ba Na được giới văn học nghệ thuật đương đại của Tây Nguyên gọi là “con thiêng của rừng” mà còn là kết tinh của một tình bạn giản dị đơn sơ mà bền chặt.

Người họa sĩ mang trong mình một trang lịch sử quê hương

Những chương tuổi trẻ sóng gió của họa sĩ Xu Man – gắn liền với một giai đoạn đau thương của người dân Ba Na, đồng bào Tây Nguyên và toàn đất nước Việt Nam – trong những trang viết của Trung Trung Đỉnh đã hiện lên một cách rất sinh động và giàu cảm xúc nhờ sự kỳ công của nhà văn trong việc đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu về nét văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Ba Na và các dân tộc Tây Nguyên. Từ cách đi đứng nói cười, nếp sống nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt, hội hè cho tới cả những bi kịch mà họ từng phải gánh chịu. Ở khía cạnh này, “Con thiêng của rừng” có thể coi như một cuốn sách hé mở trước mắt độc giả cánh cửa để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.

Nếu nửa đầu tác phẩm tập trung kể chuyện Siêu Dơng và bà con buôn làng bị đày đọa bởi cha con tri phủ Môr và đám tay sai của quân Pháp, thì nửa sau câu chuyện tập trung vào hành trình của Siêu Dơng khi đã quyết một lòng đi theo Cách Mạng. Trên chặng đường mới, người thanh niên lại tiếp tục trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm giữa bên này khao khát được ngay lập tức cầm súng đánh giặc với bên kia là nhiệm vụ đi học trường mỹ thuật để sau này phục vụ đời sống tinh thần của bà con và chiến sĩ.

Trong nửa này của tác phẩm, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã dành thời lượng để mô tả kỹ lưỡng những chuyển biến trong tâm lý của Siêu Dơng, giúp người đọc hiểu được tấm lòng của người thanh niên và cả cái lý của anh. Độc giả sẽ thấy cuộc đấu tranh tâm lý dữ dội của Siêu Dơng để tìm ra con đường tương lai của mình có thể cũng sẽ nói thay tâm sự của bất cứ ai, sống ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Quan trọng là, một khi đã tìm được sứ mệnh của cuộc đời mình, ta hãy một lòng một dạ cống hiến cho nó đến cùng – như cách Siêu Dơng/họa sĩ Xu Man đã từng.

Nói về họa sĩ Xu Man, nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ trong lời mở đầu sách: “chính ông là một đốm lửa trong rừng, một người nghệ sĩ được ngôi làng rừng của người Ba Na Tây Nguyên nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng, giống như bếp lửa trong ngôi nhà sàn được truyền từ đời này sang đời khác, giống như một bài hát kể,  kể về ngọn lửa và cuộc sống của dân làng. Ngọn lửa là nỗi đam mê ám ảnh đối với mỗi sinh linh. Ngọn lửa bên bếp lửa than thuở thiếu thời nuôi dưỡng tâm hồn Xu Man, đưa ông đi và cả đưa ông về, theo ông suốt cả cuộc đời. Lửa trong bếp lửa nhà sàn nuôi lớn những tâm hồn và làm nên vẻ đẹp lung linh của lịch sử các tộc người, bởi vì tiền sử nối tiếp tiền sử thành ra lịch sử. Và chúng ta “nuôi lửa” trong lòng bởi chúng ta hiểu rằng, tương lai cũng tham gia vào dòng lịch sử thiêng liêng”.

Tác phẩm được kể theo trình tự thời gian, ứng với các bước đi trong cuộc đời chú bé Siêu Dơng người dân tộc Ba Na. Từ tấm bé, Dơng và bố mẹ đã bị đám chánh tổng và tri phủ làm tay sai cho Pháp mua đi bán lại, bị bóc lột sức lao động đến cùng cực. Lớn lên, Siêu Dơng vẫn không thoát khỏi sự đàn áp của tên chánh tổng, bị hắn bức hại tới mức mất vợ, mất con. Chỉ tới khi Cách Mạng tới, cuộc đời anh mới sang trang. Nhờ Cách Mạng, Siêu Dơng được đi học, xây dựng hạnh phúc mới và tìm lại niềm đam mê hội họa. Từ đây, anh dành cả cuộc đời mình để vẽ những bức tranh phục vụ bà con Tây Nguyên.

Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.

Chia sẻ của tác giả Trung Trung Đỉnh thay lời tựa

Câu chuyện này kể về một con người đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt ngay từ khi sinh ra và lớn lên giữa thời tăm tối nhất của quê hương, trỗi dậy bằng sức sống kỳ lạ, bằng bản năng sinh tồn mà chỉ người dân tộc Ba Na thời đó mới có; mỗi bước đi của cuộc đời người họa sĩ là một bước cam go đầy thử thách và trưởng thành. Chính vì vậy mà ông được giới văn học nghệ thuật đương đại của Tây Nguyên gọi là “con thiêng của rừng”.

Chúng ta bây giờ ai cũng biết giữa rừng giữa núi, loài người đã tìm ra lửa từ cuộc sống hoang dã nguyên thủy và sau đó sự sống biến đổi gắn liền với phát triển. Và vì ở trong rừng trong núi hái lượm nên từ khi tìm ra lửa, người ta coi lửa là một trong những nguồn sống chính. Người miền rừng núi nhiều nơi trên thế giới đều có chung một cách nuôi lửa, đơn giản và hiệu quả nhất, ấy là “nuôi” trong bếp hoặc trong lò, lúc nào cũng ủ cho lửa “ngủ” sẵn trong than. Than ngún trong tro, lửa được “nuôi” trong đấy, khi thì củi khi thì đá, được nuôi hết ngày dài cho suốt đêm thâu, mặc dù sau này người ta đã làm ra diêm, làm ra máy quẹt đá, quẹt… gas rồi đến điện tích trữ lửa như bây giờ. Nhưng nuôi lửa theo lối truyền thống vẫn khiến cho cuộc sống thường ngày giàu sinh khí hơn, giàu bản sắc văn hóa và giàu tình người hơn.

Cách nuôi lửa của người miền núi Tây Nguyên không ngoài cách nuôi lửa truyền thống của loài người. Tuy nhiên, ở đây có cái cách hơi khác, ấy là nuôi lửa bằng cả than, cả củi, cả đá và bằng cả tâm linh, bằng cái hồn của mình. Mỗi làng buôn, có khi là mỗi cộng đồng khu vực cư trú lên tới hàng chục làng buôn, sẽ có một Pơtao Puih. Cụm từ “Pơtao Puih” trong tiếng dân tộc Ba Na được nhiều nhà dân tộc học dịch là Vua Lửa. Thực chất, Pơtao có thể dịch là “thần”, cũng có thể dịch là “ma”, lại cũng có thể dịch là “vua” theo cái nghĩa cao quý nhất. Đây là một cách tôn vinh cuộc sống Thần quyền thuở khai thiên lập địa. 

Các Pơtao Puih hay Pơtao Unh đều xuất thân là những con người hết sức cụ thể, bình thường. Họ cũng có vợ có con, có gia đình, cũng làm nương phát rẫy, cũng đi săn đi bắn, cũng “nuôi lửa” trong bếp nhà mình. Nhưng họ được Yàng ban cho một uy quyền siêu nhiên, ấy là nuôi lửa trong người… Ông ta không phải phù thủy, cũng không phải là một thầy mo, thầy cúng. Ông ta là một thủ lĩnh tinh thần, duy trì “quyền lực” của mình dựa vào sức mạnh “đã có từ nơi truyền thống của cõi linh thiêng. Ông ta là cái gạch nối, là nhân vật trung gian giữa cộng đồng và thế giới thần linh. Có hiện tượng hay sự kiện gì trong cuộc sống của cộng đồng không giải thích được, người ta tìm đến hỏi ý kiến các Pơtao và các Pơtao được các Yàng chỉ cho điều sắp xảy ra… Người “nuôi Lửa” trong người và lửa “nuôi Người” trong đêm. Đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn, trong những cánh rừng đại ngàn, các già làng hát kể cho dân làng cùng nghe những câu chuyện thần linh truyền lại. Con cháu quây quanh bếp lửa nghe, để có “lửa trong người” mà truyền lại cho muôn đời con cháu sau này.

Trong câu chuyện mà tôi kể về họa sĩ Xu Man dưới đây, chính ông là một đốm lửa trong rừng, một người nghệ sĩ được ngôi làng rừng của người Ba Na Tây Nguyên nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng, giống như bếp lửa trong ngôi nhà sàn được truyền từ đời này sang đời khác, giống như một bài hát kể, kể về ngọn lửa và cuộc sống của dân làng. Ngọn lửa là nỗi đam mê ám ảnh đối với mỗi sinh linh. Ngọn lửa bên bếp lửa than thuở thiếu thời nuôi dưỡng tâm hồn Xu Man, đưa ông đi và cả đưa ông về, theo ông suốt cả cuộc đời. Lửa trong bếp lửa nhà sàn nuôi lớn những tâm hồn và làm nên vẻ đẹp lung linh của lịch sử các tộc người, bởi vì tiền sử nối tiếp tiền sử thành ra lịch sử. Và chúng ta “nuôi lửa” trong lòng bởi chúng ta hiểu rằng, tương lai cũng tham gia vào dòng lịch sử thiêng liêng.

Tôi không còn nhớ tôi quen họa sĩ Xu Man từ hồi nào, điều ấy liệu có gì đáng trách? Nhưng tôi dám chắc ngay từ buổi đầu gặp gỡ, chúng tôi đã rất thân thiết, cứ như hiểu nhau lâu rồi. Bản tính ông dễ gần, nhưng không phải dễ hiểu. Giờ đây, qua không biết

bao đêm anh em ngồi bên ghè rượu cần trút bầu tâm sự, ông kể chuyện đời cho tôi nghe, không phải để tôi ghi chép và viết lách. Cuốn sách hình thành dần trong tôi, tự nhiên như tình cảm chúng tôi vẫn dành cho nhau trong đời sống thường ngày.

Và thật hạnh phúc vì đây là cuốn sách đầu tiên về cuộc đời một nghệ sĩ lớn người Ba Na mà tôi yêu quý. Tôi đã cố gắng huy động vốn sống của mình – về miền đất Tây Nguyên, với những thời điểm lịch sử mà cuộc đời Xu Man trải qua – để dựng lại không khí chung, cũng như những chi tiết độc đáo do điều kiện sống khắc nghiệt đem lại. Tôi không dám chắc những gì được viết ra trong cuốn sách này là tất cả những gì thuộc về Xu Man, nhưng tôi tin rằng, cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc nhỏ tuổi một lượng thông tin đáng yêu về một người nghệ sĩ có cuộc đời chìm nổi đầy biến động, cũng như về một vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc, rất đáng tự hào dù chịu nhiều đau thương do giặc giã, thiên tai.